Wednesday, December 28, 2011

SƠN NỮ TẮM TIÊN



Đi tìm sơn nữ 'tắm tiên' giữa đại ngàn

Khi trời đã xám xịt sắp chuyển sang gam màu tối đen, trước mắt tôi, những cô gái người Dao bắt đầu đi tới con suối ở hang Đất, từ từ trút bỏ xiêm y, cơ thể đầy đặn, trắng mịn nổi bật lên giữa màu u tối của đất trời.

Đường vào bản Cỏi (Xuân Sơn, Tân Sơn, Phú Thọ) liên tục những con dốc cao, dài nối tiếp nhau, mất rất nhiều thời gian tôi mới đặt chân được đến nơi. Thật đúng như những gì người dân nói, bản Cỏi thật hoang sơ và yên bình, những nếp nhà sàn ấm cúng tập trung, lọt thỏm giữa rừng rậm, đồi núi trùng trùng, điệp điệp.

Bản Cỏi là nơi cư trú của một bộ phận người Dao Tiền, bản nằm giáp với tỉnh Sơn La và huyện Đà Bắc của Hòa Bình, cả bản hiện có 84 hộ, sinh sống bằng nghề nông nghiệp trồng lúa và một số nghề phụ như đánh cá, hái măng, nuôi gà…kinh tế vẫn còn rất nghèo nàn và lạc hậu.



Bản Cỏi vẫn giữ được vẻ nguyên sơ từ hàng ngàn năm trước


Nơi này chưa hề có dấu chân của nền văn minh bước tới, thật khó mà kiếm được sự ồn ào, đua chen ở bản Cỏi. Vì ở bản không có nhà nghỉ nào để thuê nên tôi vào xin nghỉ nhờ ở nhà một người dân ở ngay phía đầu bản. Biết tôi là nhà báo lặn lội từ dưới xuôi lên, họ rất niềm nở và bảo thích nghỉ bao lâu thì nghỉ, ăn uống cùng gia đình, có gì ăn nấy không phải lo. Thật vui sướng biết bao khi vừa mệt tã người sau một cuộc hành trình lại có một chốn để nghỉ ngơi.

Tìm gặp trưởng bản Cỏi, ông Đặng Vĩnh Phúc, tôi được ông cho biết: “Tắm suối là nét văn hóa có từ hàng ngàn năm trước. Trước đây cứ sau mỗi buổi lao động vất vả trên nương, phụ nữ bản Cỏi lại rủ nhau ra suối trầm mình xuống dòng nước mát lạnh. Tắm suối không chỉ để gột rửa bụi bẩn, ngâm mình trong dòng nước mát cho thư thái mà còn là thời gian để họ chuyện trò tâm sự, chia sẻ mọi điều trong cuộc sống".



Ở bản Cỏi vẫn còn lưu giữ tục tắm suối


"Hiện nay, hầu hết phụ nữ ở bản Cỏi này vẫn giữ tục tắm suối, chỉ có một vài nhà có điều kiện xây được nhà tầng thì có phòng tắm riêng không ra suối tắm nữa. Tuy nhiên, mọi người thường đi tắm khi trời đã nhá nhem tối, không rõ mặt người chứ cũng ít ai tắm giữa “thanh thiên bạch nhật”. Và họ thường tắm ở các con suối sâu trong núi đá, ở bản Cỏi thì vô vàn chỗ, nhiều khi muốn tìm cũng khó.”



Chiếc váy được quấn rất khéo léo khi đi tắm


Nhen nhóm niềm hy vọng sẽ được tận mắt chứng kiến vẻ đẹp hoang sơ, hiếm hoi nơi núi rừng tôi quay trở lại căn nhà sàn để chuẩn bị đồ nghề đi "săn vẻ đẹp tiên nữ".

May mắn ở gia đình tôi xin ngủ nhờ có cậu con trai tên Lương năm nay vừa đúng 18 tuổi, lúc nói chuyện cậu ta khoe với tôi: “Ở bản Cỏi này chẳng chỗ nào em không biết”. Tôi thử hỏi có biết chỗ nào có con gái đẹp tắm suối không, Lương cười khì khì nói “có đấy, nhưng hơi xa, tít tận ở hang Đất, đường xấu xe máy không đi được, phải đi bộ lâu lắm. Với lại đi nhìn người ta tắm ngại lắm, người ta biết mình rình mò thì ê mặt”.

Sau khi thuyết phục, nói rõ ràng để cậu trai trẻ hiểu được mục đích của tôi, Lương đồng ý chiều sẽ dẫn tôi đi để được tận mắt chứng kiến sơn nữ tắm tiên giữa núi rừng.

Đúng 5h chiều, tôi và cậu em Lương cuốc bộ từ nhà đi, đoạn đường tới hang suối có “tiên nữ” là đường đồi, tuy không dốc nhưng rất lầy lội, đường lót toàn những phiến đá to ụ, lởm chởm đi bộ còn nhọc, xe máy đi lên đây thì chịu chết.

Vừa đi Lương vừa cho tôi biết, ở bản Cỏi có nhiều chỗ có sơn nữ tắm suối nhưng chỉ có chỗ hang Đất này mới có thể chụp ảnh được vì những người ra đây tắm khi trời vẫn còn chút ánh sáng sắp cạn của một ngày tàn.

Mất gần 1h đi bộ chúng tôi mới đến được nơi, sau khi chọn địa điểm thích hợp, tôi ngồi ôm khư khư chiếc máy ảnh chầu chực đợi đến khi “nhân vật chính” xuất đầu lộ diện.



Con suối nơi có các "tiên nữ" đi tắm suối


Và rồi cái gì đến cũng đến, khi trời đã xám xịt sắp chuyển sang gam màu tối đen, những cô gái người Dao bắt đầu đi tới con suối ở hang Đất, từ từ trút bỏ xiêm y, cơ thể đầy đặn, trắng mịn nổi bật lên giữa màu u tối của đất trời, một vẻ đẹp huyền ảo đã lộ ra trước mắt.

Chiếc váy hoa được các cô gái quấn cẩn thận lên đầu ôm gọn lấy mái tóc, ngâm mình dưới là nước mát lạnh, bờ vai trần trắng ngần thấp thoáng theo những làn sóng nước của con suối.



Các cô gái trút bỏ xiêm y, thả mình xuống làn nước suối trong xanh, mát lạnh


Không để lỡ cơ hội tôi bấm máy theo từng cử chỉ của “tiên nữ”. Những tưởng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy nét đẹp ấy thế nhưng giờ đây vẻ đẹp huyền thoại của núi rừng đang hiện diện thật sống động.




Những thiếu nữ ở bản Cỏi thường tìm những nơi kín đáo và đợi khi trời tối mới đi tắm suối


.


Thật hiếm có nơi nào còn lưu giữ được tục tắm tiên, nét đẹp tuyệt tác của núi rừng như ở bản Cỏi


Trên đường về, tôi hỏi Lương còn các “sơn nam” trong bản thì tắm ở đâu, Lương cho biết “đàn ông trong bản thì cứ tiện đâu tắm đấy, nhưng không bao giờ tắm gần bãi tắm của phụ nữ và tuyệt đối không ai đi nhìn trộm sơn nữ tắm cả, đó như một quy luật bất thành văn ở đây”. Chẳng thế mà các cô gái đều thoải mái trút bỏ xiêm ý, tha hồ nô đùa dưới làn nước mát để tận hưởng cảm giác sảng khoái từ những làn nước tinh khiết chảy ra từ núi.

Lần mở xem lại những tấm hình quý giá vừa ghi lại được, tôi tự hỏi không biết liệu tục tắm tiên ở bản Cỏi sẽ còn lưu giữ được đến bao giờ. Có khi nào nó sẽ lại bị tan biến bởi những điều trần tục đang dần xâm chiếm cuộc sống nơi nguyên sơ này hay không ? để rồi những dòng suối trở nên chơ vơ vì không còn bóng dáng “tiên nữ”.

Kinh Vân

Theo Bưu Điện Việt Nam




Mục sở thị sơn nữ tắm tiên và ‘mó nước thần’ giữa đại ngàn

Những sơn nữ lần lượt trút bỏ xiêm y để lộ làn da trắng ngần rồi từ từ ngâm mình dưới dòng nước. Tiếng cười đùa rổn rảng xôn xao cả núi rừng...



'Mó nước thần' giữa đại ngàn

Con đường vào bản Niềng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, Sơn La ngoằn nghèo với những khúc cua bẻ gập tay áo, dốc dựng đứng và lổn nhổn đá sỏi gan trâu. Chính bởi đường đi lại khó khăn như thế, nên vùng đất miền biên viễn nghèo xơ xác.

“Mùa khô thì bụi bay mịt mùng, đường đi gập ghềnh, mùa mưa thì lầy lội tuyệt nhiên không đi lại được. Đường đi lại như thế nên dù người dân có cố gắng chăm chỉ làm nương làm rẫy thì nông sản cũng khó mà bán… Nên bao đời nay, nghèo vẫn hoàn nghèo…”, ông Lèo Văn Thuận, Bí thư Đảng Ủy xã Mường Lèo thở dài mở đầu câu chuyện.

Thế nhưng, theo lời ông Thuận, có lẽ bởi cuộc sống nghèo khổ như vậy nên thiên nhiên đã ưu ái ban cho Mường Lèo một môi trường sống thật trong lành. Cây cối tốt tươi và núi non hữu tình đẹp như bức tranh thủy mặc, và nhất là “mó nước thần” nằm ở giữa bản Niềng.



Đời sống người dân còn khó khăn, nhưng thiên nhiên đã ban tặng Mường Lèo không khí trong lành, trù phú.


Ông Thuận bảo, không ai biết mó nước chảy từ đâu, cũng không ai hay nó có từ bao giờ, từ đời ông, đời cha của ông đã thấy rồi. Chỉ biết rằng, mó nước rỉ ra từ khe núi, chảy thành dòng quanh con suối uốn lượn ôm men theo bản Niềng và điều đặc biệt là nóng hôi hổi như ấm nước sôi dở.

Có người phỏng đoán hẳn nằm sâu trong núi rừng kia là miệng núi lửa, cũng có người bảo đấy là dòng nước tuôn chảy từ miệng con mãng xà phun lửa trong truyền thuyết… Chẳng ai dám chắc về nguồn gốc của nó nên người ta gọi chung mó nước đặc biệt ấy là “mó nước thần”.

Theo ông Thuận, sở dĩ dân bản tôn đây như dòng nước quý bởi họ truyền tai nhau rằng, thứ nước nóng hôi hổi nằm trong mó nước kia có thể chữa được bách bệnh.

“Người ta cho rằng, người ốm đau, người mang bệnh nặng chỉ cần ngâm mình dưới dòng nước là bệnh tình đã giảm đi nhiều phần. Thậm chí, các xã khác cũng lặn lội sang bản Niềng xin nước nóng về để chữa bệnh.

Chẳng biết thực hư tác dụng thế nào, nhưng chắc chắn rằng, các bệnh ngoài da thì cứ ngâm nước nóng ở đây là khỏi biến. Vì thế, giai bản Niềng cũng vạm vỡ hơn, khỏe hơn, gái bản Niềng cũng hây hây và đẹp hơn bản khác...

“Xưa, bao quanh mó nước này là rừng già. Người lên khai hoang mới phá đi làm nương, làm rẫy. Năm 1982, tôi vẫn còn chứng kiến cảnh hươu, nai, khỉ, trâu, bò… từng bầy từng đàn xuống mó uống nước. Mà lạ, con vật nào đã uống nước ở mó này thì nghiện như người ta say thuốc phiện. Chúng chẳng đi xa mà chỉ lảng vảng quanh mó nước và đêm đêm tìm xuống, đứng quanh mó nước để chơi đùa…

Nhưng khi con người phá trụi cả khu rừng bao quanh mó nước, động vật vì thế cũng mất dần. Hoặc bị săn bắn, hoặc bỏ đi nơi khác… Nghĩ lại tôi vẫn thấy tiếc vô cùng”, ông Thuận thở dài.

Mục sở thị sơn nữ tắm tiên

Và, cũng chính nhờ mó nước thần kỳ mà chúng tôi được mục sở thị cảnh sơn nữ tắm tiên, cảnh mà nhiều người ngỡ chỉ còn thấy trong ký ức.

Khi mặt trời vừa khuất dần sau đỉnh núi, những sơn nữ trở về từ nương rẫy quây quần bên mó nước nóng. Hàng chục sơn nữ bỏ công cụ lao động trên những tảng đá lớn, rồi hồn nhiên trút xiêm y, như thể là chốn không người. Các sơn nữ ngồi trên tảng đá, phơi làn da trắng ngần, khua chân dưới nước, nói cười rổn rảng, khiến cảnh đại ngàn âm u trở nên đẹp như một câu chuyện cổ tích.






Tiếng cười nói rổn rảng xua tan cả cái u tịch của núi rừng Tây Bắc.



Bên cạnh, "sơn nam" cũng hồn nhiên ngâm mình dưới dòng nước nóng.


Ông Thuận bảo, hàng trăm năm nay, cùng với nhiều tập tục lâu đời khác, người dân bản Niềng coi như một nét văn hóa. Trai, gái trong bản, sau một ngày làm việc mệt nhọc sẽ trầm mình dưới dòng nước, gột rửa những mệt nhọc, ưu phiền, con người như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới...

Lê Trang

Theo Bưu Điện Việt Nam